Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Lượt xem: 1622
Trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp uỷ, chính quyền, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt, góp phần ngăn chặn tệ tham nhũng, lãng phí, số vụ án, vụ việc về PCTN được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý không có những biến động lớn và có chiều hướng thuyên giảm.

Để công tác PCTN đạt được kết quả tích cực thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN có ý nghĩa to lớn và là một phần của hoạt động của công tác PCTN, giữ vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN do Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh lãnh, chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tiếp theo. Theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đây là một cuộc đấu tranh kiên quyết, kiên trì, không ngơi nghỉ, được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và công tác tuyên truyên giáo dục pháp luật về PCTN nói riêng, trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh chỉ đạo đồng bộ các giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi tham nhũng, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quán triệt, tổ chức thực hiện các nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN tới toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trong cả hệ thống chính và toàn xã hội.

Trong giai đoạn 2015-2020, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương Đảng, Chính phủ và văn bản của tỉnh về PCTN, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với các hình thức như tổ chức hội nghị chuyên đề, lồng ghép trong các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, các cuộc họp cơ quan, đơn vị, thôn, bản, tổ dân phố, các buổi sinh hoạt đoàn thể, tổ chức nói chuyện chuyên đề, qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, qua các lớp chính trị, lý luận, các trường học và sao gửi các cơ quan, đơn vị, trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Toàn tỉnh đã tổ chức được 9.781 lớp để tuyên truyền pháp luật về PCTN cho 478.015 lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, giáo viên, học viên, học sinh và nhân dân; phát hành, xuất bản 8536 đầu sách, tài liệu; các cơ quan thông tin truyền thông đăng tải nhiều tin, bài về PCTN.

Từ khi Luật PCTN năm 2018 được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 937/KH-UBND ngày 29/3/2019 tổ chức Hội nghị quán triệt phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật PCTN năm 2018 tới UBND các huyện, thành phố, sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đảm bảo việc triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 kịp thời, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Sau Hội nghị ở cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN 2018 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị mình và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền quán triệt đến các thôn, bản, tổ dân phố. Một số cơ quan, đơn vị đã đưa tin, bài viết về tình hình triển khai thi hành luật trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan đơn vị mình. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ mở 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác PCTN trong tháng 6/2020 cho trên 160 học viên là những người làm công tác lãnh đạo, quản lý và tham mưu, theo dõi về PCTN của các cơ quan, đơn vị.

Thực  hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021" theo Quyết định phê duyệt số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3413/KH-UBND ngày 27/9/2019 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021” và Kế hoạch số 3605/KH-UBND ngày 15/10/2019 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN trong năm 2019 và 2020”. Theo nội dung các Kế hoạch đề ra với mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện cụ thể, việc phân công nhiệm vụ theo chức năng của các cơ quan, ngành, đơn vị, địa phương và các nguồn lực, kinh phí đảm bảo triển khai trong thực tế. Đến nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã xây dựng trong chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện Đề án bao gồm các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến pháp luật PCTN cho “Nhóm nòng cốt” tại các mô hình điểm đã được lựa chọn, tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, nói chuyện chuyên đề, đối thoại về công tác PCTN tại địa bàn dân cư, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về PCTN…Cùng với đó, để tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN trên sóng phát thanh truyền hành, Sở Tư pháp đã phối hợp với Thanh tra tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tuyên truyền phổ biến một số văn bản pháp luật, trong đó có Luật PCTN 2018. Việc tuyên truyền thông qua hình thức hỏi đáp những quy định của pháp luật về PCTN đã được phát sóng theo chuyên mục trên các đài truyền hình, đài phát thanh và được dịch theo tiếng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Qua việc đẩy mạnh quán triệt, triển khai, tuyên truyền giáo dục về PCTN đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân đã không ngừng nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong tư tưởng và hành động trong công tác này thời gian qua. Việc tuyên truyền của các đơn vị, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về PCTN góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTN gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN để từng bước tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng theo quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN vẫn còn nhiều mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác lãnh đạo của một số ít cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tuyên truyền, quán triệt triển khai pháp luật về PCTN chưa được quan tâm đúng mức, có nơi, có lúc còn xem nhẹ, tiến hành hình thức, nhất là trong công tác ban hành các kế hoạch, văn bản để cụ thể hóa tại cấp mình, cơ quan đơn vị trực thuộc, cá biệt còn có một số cơ quan, đơn vị không ban hành kế hoạch để thực hiện các Kế hoạch của tỉnh về thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021" theo Quyết định phê duyệt số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, việc tuyên truyền đã được triển khai khá sâu rộng nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chưa thực sự triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên. Kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu công tác này nên nhiều hoạt động tuyên truyền chưa triển khai tổ chức thực hiện được. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn có một số hạn chế do chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được chuẩn hóa, chuyên trách nên chưa đề cao được tính vai trò trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao; công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật phương pháp tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên. Phương pháp, hình thức tuyên truyền chậm thay đổi, có hoạt động chưa phù hợp tình hình thực tế nên chưa đi sâu vào các tầng lớp, đối tượng được tuyên truyền, phổ biến. Số tiết học dành cho học sinh, sinh viên về giáo dục PCTN còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn nên báo cáo viên, giáo viên chưa thể truyền tải hết các kiến thức, giới thiệu những nét tổng quan về công tác PCTN trong giai đoạn hiện nay…

Để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về PCTN trong thời gian tới có hiệu quả cao thiết thực và mang tính chiều sâu hơn, thiết nghĩ các cơ quan, đơn vị cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật PCTN trong tình hình hiện nay, xác định đây là yếu tố quyết định tính hiệu quả trong công tác này. Xuất phát từ việc quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước coi công tác PCTN là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, tiến hành thường xuyên, liên tục, trong đó lấy phòng ngừa là chính. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần đẩy mạnh công tác lãnh chỉ đạo, triển khai đầy đủ, có hiệu quả các văn bản của cấp trên về PCTN, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với đặc điểm của cấp mình, ngành mình. Việc triển khai thực hiện luôn được gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”và việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, tuyền truyền các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác PCTN, nhất là các văn bản mới ban hành như Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCTN; thủ trưởng cơ quan đơn vị phải gương mẫu thực hiện và nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN; cơ quan quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ban hành các tiêu chí đánh giá cụ thể để xác định và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện tuyền truyền, giáo dục pháp luật về PCTN.

Ba là, quan tâm làm tốt công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về pháp luật các cấp; đề xuất chế độ chính sách, ưu đãi phù hợp. Tại một số cấp, ngành cần tăng cường đội ngũ báo cáo viên mang tính chuyên trách để gắn trách nhiệm cũng như tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, văn bản mới, chuyên sâu về PCTN từ sự truyền đạt, giới thiệu của các chuyên gia, người có kinh nghiệm lâu năm của Trung ương, của tỉnh về công tác này. Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật PCTN trong giai đoạn hiện nay.

 Bốn là, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét tăng mức kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng trong việc lập dự toán kinh phí của các cơ quan, đơn vị hàng năm; xem xét bố trí nguồn ưu tiên cho hoạt động này trong khả năng có thể của một số cấp, ngành.

Năm là, thường xuyên đổi mới phương pháp, cách thức trong phổ biến, giáo dục tuyên truyền về PCTN, trong đó xác định sâu rộng tất cả mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân đều được tuyên truyền. Có một số nội dung cần chuyên sâu đối với một số đối tượng đặc, ở các ngành nghề, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị bố trí, phân công cán bộ, công chức thanh tra, thanh tra viên làm công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo để tham mưu lãnh đạo về công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCTN, qua đó năng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, đội ngũ báo cáo viên và người đứng đầu cơ quan đơn vị trong công tác quan trọng này. Có cơ chế khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt và hình thức xử lý nghiêm minh các vi phạm xảy ra.

Bảy là, xây dựng và ban hành cơ chế khen thưởng kịp thời động viên các tập thể, cá nhân thành tích xuất sắc, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật về PCTN.

Tám  là, huy động cả hệ thống chính trị tham gia hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Nhất là vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật PCTN cho cán bộ, hội viên, thành viên thuộc hệ thống tổ chức mình.

 

                                                                         Đinh Văn Vụ

                                                                             (Thanh tra tỉnh Cao Bằng)

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang