Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2019
Lượt xem: 327

Ngày 30/11/2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Báo cáo số 3343/BC-UBND về tổng kết việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2019 theo Kế hoạch số 1763/KH-TTCP và Công văn số 1771/TTCP-C.IV, ngày 04/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác đánh giá PCTN hằng năm theo quy định của pháp luật về PCTN và chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, định kỳ hàng năm (giai đoạn từ 2016 – 2019) trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra chính phủ; UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu ban hành các Kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức việc đánh giá công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khách quan, minh bạch, thực chất theo đúng tinh thần, tiêu chí đánh giá của Bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ. Do đó, công tác đánh giá các năm đi vào nền nếp, có tổ chức chặt chẽ và sự phối hợp của các sở, ngành, ngành, huyện, thành phố. UBND tỉnh đã chỉ đạo và thành lập Tổ Công tác, Tổ Thư ký giúp việc của tỉnh với thành phần là lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của một số đơn vị liên quan để tổ chức triển khai đánh giá công tác PCTN đi vào vào chiều sâu, khoa học, hiệu quả. Trên cơ sở kết quả tổng hợp tổ chức đánh giá của cơ quan chuyên môn và Tổ Công tác của tỉnh, hằng năm UBND tỉnh đã ban hành báo cáo tự đánh giá công tác PCTN trên địa bàn gửi Thanh tra Chính phủ, kèm các hồ sơ tài liệu kiểm chứng đúng tiến độ quy định.

          Thông qua kết quả công tác đánh giá PCTN giai đoạn 2016-2019 đã có nhiều tác động, tiến triển tích cực đến các mặt công tác của tỉnh trong công tác PCTN. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật PCTN, UBND tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTN; thực hiện đồng bộ các quy định về phòng ngừa tham nhũng; chú trọng công tác phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác PCTN ngày từ đầu năm để chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Mặt khác chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác PCTN của cơ quan, đơn vị mình có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; thường xuyên theo dõi, đôn đốc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; trong đó, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm các biện pháp phòng ngừa và hành vi tham nhũng theo quy định. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chủ động tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do mình quản lý nhằm ngăn ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo...Đồng thời, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh và các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, nhằm cụ thể hóa kịp thời, nghiêm túc các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác PCTN tại các cấp, ngành ở địa phương, xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của các cơ quan, đơn vị và của mỗi CBCCVC. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN và các nhiệm vụ, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Công tác sơ, tổng kết để đánh giá, kiểm tra, rà soát các cơ chế chính sách, quy định pháp luật còn chống chéo, thiếu sót, sơ hở được các cơ quan, đơn vị, ngành quan tâm triển khai thực hiện nhằm hạn chế việc bị lợi dụng để tham nhũng. Chú trọng chỉ đạo công tác tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm trong tổ chức thực hiện công tác PCTN của các cơ quan, đơn vị.

          Kết quả công tác đánh giá PCTN còn có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN. Vì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN có ý nghĩa to lớn và là một phần của hoạt động công tác PCTN, giữ vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN do Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh lãnh, chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tiếp theo. Do vậy, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chỉ đạo đồng bộ giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi tham nhũng, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh, UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành quán triệt, tổ chức thực hiện các nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN tới toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong giai đoạn 2016-2019, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương Đảng, Chính phủ và văn bản của tỉnh về PCTN, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với các hình thức như tổ chức hội nghị chuyên đề, lồng ghép trong các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, các cuộc họp cơ quan, đơn vị, thôn, bản, tổ dân phố, các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, qua các lớp chính trị, lý luận, các trường học và sao gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Toàn tỉnh đã tổ chức được 3.205 lớp để tuyên truyền pháp luật về PCTN cho 147.007 lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, giáo viên, học viên, học sinh và nhân dân; phát hành, xuất bản 1.477 đầu sách, tài liệu; các cơ quan thông tin truyền thông đăng tải nhiều tin, bài về PCTN.

Triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 937/KH-UBND ngày 29/3/2019 tổ chức Hội nghị quán triệt phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật PCTN năm 2018 tới UBND các huyện, thành phố, sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đảm bảo việc triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 kịp thời, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Thực  hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021" theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành các Kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện hằng năm. Qua việc đẩy mạnh quán triệt, triển khai, tuyên truyền giáo dục về PCTN đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân đã không ngừng nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về tư tưởng và hành động trong công tác này thời gian qua. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về PCTN góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTN gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN để từng bước tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng theo quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Ngoài ra, công tác đánh giá PCTN còn có nhiều tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Triển khai thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về PCTN, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hằng năm, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức thực hiện công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc văn bản của Trung ương và của tỉnh về thực hiện nghiêm quy định về tặng quà và nhận quà trong dịp tết Nguyên đán; Quy tắc ứng xử của CBCCVC làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập được các cơ quan, đơn vị quan tâm tổ chức thực hiện theo quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục chỉ đạo tăng cường các biện pháp thực hiện công tác hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả đánh giá công tác PCTN hàng năm, cùng với những những mặt đạt được và những hạn chế được chỉ ra, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng nhằm mục đích phòng ngừa các hành vi vi phạm, tiêu cực trong tổ chức hoạt động của các cơ quan, đơn vị cũng như trong và thực thi nhiệm vụ công vụ của mỗi CBCCVC.

          Đặc biệt, thông qua kết quả đánh giá PCTN hằng năm đã có tác động tích cực, hiệu quả rõ rệt đến công tác chủ động đấu tranh, phát hiện sớm và xử lý tham nhũng các vụ án, vụ việc về tham nhũng. Trong giai đoạn 2016-2019, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về PCTN, nhất là việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của tỉnh đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với 09 vụ án, 21 bị can, bị cáo về các tham nhũng. Công tác xử lý các vụ án tham nhũng đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe, cảnh tỉnh và mang tính giáo dục phòng ngừa chung. Đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả nhằm thu hồi tài sản tham nhũng, kịp thời khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra, bảo vệ được các quyền lợi của Nhà nước và quyền, lợi ích pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Từ 2016 -2019 tổng số tiền bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là trên 10,5 tỷ đồng; đã thu hồi được trên 7 tỷ đồng; số tiền còn lại cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục phối hợp với  cơ quan có liên quan đôn đốc, theo dõi, thi hành theo các bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Báo cáo của tỉnh cũng nhận định, công tác đánh giá PCTN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Trong công tác chỉ đạo việc đánh giá PCTN hàng năm còn có đơn vị chậm triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thu thập thông tin tài liệu phục vụ việc đánh giá PCTN của tỉnh. Bên cạnh đó, còn một số ít cơ quan, đơn vị chưa chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng theo quy định Luật PCTN và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh nên không cung cấp được hoặc cung cấp không đúng danh mục các tài liệu phục vụ việc đánh giá PCTN theo tiêu chí của Bộ chỉ số đưa ra. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN tại một số đơn vị chưa đúng trọng tâm, trọng điểm theo định hướng trong kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, của tỉnh nên khi đánh giá đạt điểm chưa cao theo yêu cầu của Bộ chỉ số. Công tác phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế nên trong phần đánh giá về nội dung này hàng năm khó đạt được số điểm theo tiêu chí Bộ chỉ số đưa ra. Mặt khác, một số nội dung, lĩnh vực theo tiêu chí Bộ chỉ số còn chưa có hướng dẫn cụ thể trong thực tiễn nên gặp khó khăn khi đánh giá, chấm điểm; hơn nữa Bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ chưa ổn định, còn thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung qua các năm cũng phần nào gây khó khăn trong việc chuẩn bị tài liệu, cũng như trong quá trình tổ chức đánh giá của địa phương và trong thực tế tổ chức triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị; việc ban hành Bộ chỉ số, kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện đánh giá của Thanh tra Chính phủ chưa thống nhất trong một khoảng thời gian nhất định, nên các địa phương bị động; việc đánh giá về nội dung công khai minh bạch trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực thuộc hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị làm cho việc thu thập, thống kê tài liệu, thông tin gặp khó khăn.

Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các quy định về PCTN tại địa phương nói chung, cũng như việc tổ chức đánh giá PCTN hàng năm và nhằm nâng cao hơn nữa công tác PCTN trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, xem xét một số nội dung như: Tham mưu Chính phủ Ban hành Nghị định hướng dẫn về thực hiện các nội dung PCTN khu vực ngoài nhà nước và Nghị định hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTN; ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về một số nội dung còn vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Thông tư  nghiệp vụ về hướng dẫn việc đánh giá công tác PCTN hàng năm với các quy định cụ thể, nhất là việc đánh giá các nội dung về công khai, minh bạch, định mức, chế độ, tiêu chuẩn, kiểm soát xung đột lợi ích, Bộ chỉ số về các tiêu chí, cách thức đánh giá, tổ chức bộ máy tham mưu việc tổ chức đánh giá PCTN…; điều chỉnh một số nội dung trong Bộ tiêu chí đánh giá PCTN cấp tỉnh cho phù hợp tình hình chung của các địa phương như các tiêu chí về xây dựng thể chế, PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước…; ban hành Kế hoạch đánh giá PCTN ngay từ quý I hằng năm để các địa phương chủ động hơn trong tổ chức đánh giá; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác đánh giá PCTN; có giải pháp đơn giản hóa việc cung cấp tài liệu kiểm chứng; ban hành Bộ chỉ số mang tính ổn định cao trong một giai đoạn nhất định, tránh điều chỉnh qua từng năm; việc đánh giá nội dung công khai minh bạch trong từng năm cần có trọng tâm, trọng điểm hơn.

(Đinh Văn Vụ - Phòng Thanh tra PCTN, Thanh tra tỉnh Cao Bằng)

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang