Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 75 NĂM, NGÀNH THANH LUÔN THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ THAM MƯU CHO CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN VỀ CÔNG TÁC THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Lượt xem: 258
Sau khi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông non trẻ đầu tiên của khu vực Đông Nam Châu Á, vào ngày 23/11/1945, với cương vị là Người đứng đầu của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đây là tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay. Sự kiện này đã đánh dấu cho sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. 

Trong suốt 75 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng đấu tranh chống các thế lực xâm lược, giải phóng thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trải qua các thời kỳ với các tên gọi khác nhau như Ban Thanh tra đặc biệt giai đoạn những năm 1945 – 1949; Ban Thanh tra Chính phủ từ 1949 – 1954; Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ thời kỳ 1955 – 1960; Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 – 1983); Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984 – 1989); Thanh tra Nhà nước (1990 – 2004) và Thanh tra Chính phủ từ năm 2005 đến nay, ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phát hiện và xử lý vi phạm, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Có thể nói, kể từ khi Ban Thanh tra đặc biệt được thành lập đến nay, qua mỗi thời kỳ cách mạng, tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra tiếp tục có bước phát triển mới, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, cán bộ, công chức ngành Thanh tra qua các thời kỳ lịch sử  luôn trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị, thận trọng, khách quan, chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, bảo vệ kỷ cương, thể chế của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Tư tưởng chỉ đạo của Bác đã trở thành phương châm hành động, mục tiêu phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động trong ngành Thanh tra, là ánh sáng soi đường cho việc bảo vệ chân lý, lẽ phải, kỷ cương và niềm tin của nhân dân để làm nên sự nghiệpvẻ vang của Ngành mà nay đã đúc kết thành phẩm chất cao quý của người cán bộ thanh tra cần giữ gìn, phát huy là “Trung thành, gương mẫu, tận tụy, khách quan, liêm khiết, công tâm”.

 Cùng với việc Chính phủ quyết định thành lập các cơ quan Thanh tra địa phương, Thanh tra tỉnh Cao Bằng cũng sớm được thành lập và xây dựng, phát triển cùng với tiến trình lịch sử của ngành Thanh tra Việt Nam. Xác định hoạt động thanh tra là chức năng thiết yếu của công tác quản lý nhà nước, có vị trí quan trọng, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn kỷ cương, đảm bảo trật tự xã hội nên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Thanh tra tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát triển về mọi mặt. Các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra Cao Bằng qua các thời kỳ đã luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiếp tục tô thêm trang sử vẻ vang của Ngành trên mảnh đất biên cương phía bắc của tổ quốc.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 – 2020, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh đã quán triệt toàn diện, nghiêm túc và tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN) và công tác xây dựng Ngành trên địa bàn tỉnh.

Ngành Thanh tra luôn quán triệt tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về công tác thanh tra, nhất là Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hằng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch định hướng của Thanh tra Chính phủ và bám sát tình hình nhiệm vụ của địa phương, Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ban ngành, huyện, thành phố đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch thanh tra để trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt theo quy định, đảm bảo việc triển khai các cuộc thanh tra theo đúng nội dung, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong 5 năm qua, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 366 cuộc thanh tra hành chính, đã phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền là trên 21,3 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi trên 14,8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác gần 6,4 tỷ đồng; đã thu hồi gần 12 tỷ đồng. Riêng Thanh tra tỉnh đã tiến hành 69 cuộc thanh tra, đạt 100% kế hoạch. Qua thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi trên 10,9 tỷ đồng; xử lý khác trên 2,5 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm. Thanh tra các sở ngành tiến hành 792 cuộc thanh, kiểm tra đối với 7040 đơn vị, cơ sở, cá nhân; qua đó phát hiện sai phạm về kinh tế để tiến hành kiến nghị thu hồi, kiến nghị xử lý khác và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 16,6 tỷ đồng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra trọng tâm hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là ở các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản... Công tác xử lý chống chéo trong các cơ quan thanh tra cũng được Thanh tra tỉnh chú trọng và tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường các cơ quan, đơn vị liên quan. Kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý được đưa ra đảm bảo tính kịp thời, chính xác, khách quan, công tâm, có tính khả thi cao. Qua công tác thanh tra, trong những năm qua Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, huyện, thành phố đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền từng bước chấn chỉnh, hoàn thiện hơn công tác quản lý, thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, còn nhiều sở hở trong quản lý nhà nước, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; làm tốt công tác tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước về tra trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc đối với thanh tra các sở ngành và thanh tra huyện, thành phố làm tốt chức năng, nhiệm vụ.

Ngành Thanh tra đã tập trung tham mưu trong việc xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) và công tác tiếp của công dân, chú trọng và giải quyết dứt điểm những đơn thư tồn đọng kéo dài, phức tạp, khiếu nại vượt cấp, giải quyết ngay tại cơ sở, tránh khiếu kiện đông người. Tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong giải rà soát, xem xét giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc KNTC,bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội và củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Trong những năm qua, Thanh tra tỉnh đã tham gia tiếp dân định kỳ của lãnh đạo UBND tỉnh đối với 857 lượt người; tại cơ quan Thanh tra tỉnh tiếp 162 lượt công dân đến KNTC; tiếp nhận, xem xét xử lý 212 đơn thư. Công tác quản lý nhà nước về KNTC, tiếp công dân được cơ quan thanh tra tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Về công tác PCTN, Ngành đã tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác PCTN; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN nhằm nâng cao, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tổng hợp tình hình, kết quả PCTN theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành trong theo dõi, nắm, xử lý các vụ việc về PCTN, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Trong 5 năm qua, các cơ quan đơn vị, cấp ngành đã tổ chức 9.781 cuộc để tuyên truyền PCTN cho 478.015 lượt người; phát hành, xuất bản 8536 đầu sách, tài liệu; các cơ quan thông tin truyền thông đăng tải nhiều tin, bài về PCTN. Các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng tạo hiệu ứng tích cực nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác xây dựng Ngành luôn được thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và lãnh đạo, cấp ủy cơ quan Thanh tra tỉnh nói riêng quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là thanh tra viên thường xuyên được quán triệt về tư tưởng chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm công vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thủ trưởng, cấp ủy các cơ quan thanh tra quan tâm công tác kiện toàn các chức danh, chức vụ để kịp thời phụ trách xử ký các nhiệm vụ được giao, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được quan tâm thực hiện hàng năm. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành thanh tra tỉnh cơ bản được kiện toàn về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn phát triển mới. 

Có thể nói trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra Cao Bằng đã luôn giữ vững và phát huy được vị trí vai trò trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực, phát hiện, xử lý vi phạm, tham nhũng, chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật về giải quyết KNTC tiếp công dân và PCTN trên địa bàn tỉnh.

Nhìn lại chặng đường đã qua, dù đối mặt với nhiều gian nan thử thách, nhưng đội ngũ cán bộ công chức Thanh tra tỉnh Cao Bằng luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khă, để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của mình trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhất là trong những năm gần đây đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ được các cấp, ngành đánh giá, ghi nhận, đóng góp xứng đáng vào quá trình xây dựng và phát triển mọi mặt của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới theo các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Với những thành quả đã đạt được, Thanh tra tỉnh đã được tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và nhiều bằng khen của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh.

Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra tỉnh Cao Bằng nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động để hoàn thành những trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.  Để tiếp tục làm tốt và khẳng định vị trí, vai trò trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN, trong những năm tới, các cấp, các ngành nói chung và ngành Thanh tra tỉnh nói riêng cần tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:

Một là, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, của các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các ban, ngành và sự hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ là nhân tố quyết định trong việc thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra Cao Bằng. Tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai các chủ trương quan điểm, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN. Cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của ngành Thanh tra .

Thứ hai, Ngành thanh tra cần chủ động, tích cực trong việc tham mưu giúp cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra, gắn với việc tham mưu công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và hoàn thiện chính sách thể chế trên các lĩnh vực được thanh tra. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng xem xét, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các đơn mới phát sinh; chú trọng theo dõi, nắm tình hình để có hướng xử lý dứt điểm các đơn thư ngay từ cơ sở; tham mưu cho cơ quan quản nhà nước cùng cấp xem xét giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài để góp phần ổn định an ninh chính trị, đảm bảo an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN; tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và kiến nghị, tham mưu xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cơ quan thanh tra. Làm tốt vai trò tham mưu công tác quản lý nhà nước trong công tác PCTN.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan, các ngành, các cấp trong triển khai tổ chức thực hiện công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN. Trong đó, chú trọng cụ thể hóa bằng việc xây dựng các quy chế phối hợp, nội dung trao đổi, cung cấp thông tin giữa các bên liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành Thanh tra theo đúng các quy định pháp luật, là công cụ của cấp có thẩm quyền trong bảo vệ trật tự kỷ cương, thể chế, giữ môi trường lành mạnh, minh bạch, phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thứ năm, quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện và giữ gìn phẩm chất cao quý của người cán bộ thanh tra theo lời dạy của Bác Hồ “ Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”, “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”; tiếp tục quan tâm công tác xây dựng ngành, tập trung củng cố tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấn chỉnh lề lối làm việc, kiên quyết làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ; nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, thanh tra viên; đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển ngành Thanh tra theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn mới.

Thứ sáu, ngành Thanh tra không ngừng người đổi mới, sáng tạo trong phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị theo vị trí, chức năng của mình. Trong đó tập trung tiến hành các cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trong các lĩnh vực nhảy cảm, những địa bàn, cấp, ngành dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhằm phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan; tích cực, chủ động trong công tác tham mưu xem xét xử lý, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, còn tồn đọng, kéo dài. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra Cao Bằng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của cơ quan hữu quan và sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân đã là nguồn động lực để đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt những thành tích cao hơn trong giai đoạn tới, tô thêm trang sử vẻ vang của Thanh tra Việt Nam, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới./.

                                                                                                                                                        Đinh Văn Vụ

                                                                                                                                               Thanh tra tỉnh Cao Bằng

 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang