Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
BỐ CỤC VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT THANH TRA NĂM 2022
Lượt xem: 85

BỐ CỤC VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN

CỦA LUẬT THANH TRA NĂM 2022

--------------

Bài 2 (tiếp theo kỳ trước):

-----------

7. Quy định cụ thể về thời hạn tiến hành thanh tra

          Để đảm bảo sự chặt chẽ trong hoạt động thanh tra, đồng thời để đảm bảo phù hợp với thực tế công tác thanh tra Điều 47 của Luật có quy định thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra cụ thể: (1) Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày; (2) Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; (3) Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày. Đồng thời, Luật quy định về thời gian tạm dừng cuộc thanh tra tại Điều 70 của Luật này không tính vào thời hạn thanh tra. Như vậy, so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung quy định về gia hạn thời hạn thanh tra (Điều 48), tạm dừng cuộc thanh tra (Điều 70), đình chỉ cuộc thanh tra (Điều 71).

          8. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra

          Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra được quy định cụ thể hơn trong Luật Thanh tra năm 2022 nhằm bảo đảm việc cuộc thanh tra tuân thủ quy định, được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Theo đó, về quy định chung cuộc thanh tra (bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành) thường bao gồm các bước: chuẩn bị thanh tra; tiến hành thanh tra trực tiếp; kết thúc cuộc thanh tra. Đồng thời, Luật cũng quy định về trình tự, thủ tục riêng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tại Điều 49 và 50. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động thanh tra được linh hoạt, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu công tác của từng ngành, lĩnh vực, tại Điều 50 Luật Thanh tra quy định về các trường hợp: (1) Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó hoặc (2) Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.

          9. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

          Luật Thanh tra năm 2010 không có quy định cụ thể về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, kể cả trong Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mốt số điều của Luật Thanh tra năm 2010 cũng không có quy định về vấn đề này. Nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn để đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chính xác, khả thi của kết luận thanh tra, đồng thời khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, Luật Thanh tra năm 2022 đã có quy định cụ thể về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Cụ thể: tại Khoản 13 Điều 2 của Luật quy định: thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra và tại Điều 77 quy định: dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết. Như vậy, Luật quy định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là thủ tục bắt buộc đối với một số cấp thanh tra. Còn việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành và dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết.

          Đồng thời, quy định về người ra quyết định thanh tra, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải được ban hành bằng văn bản.

          10. Việc ban hành Kết luận thanh tra

          Tại Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về thời gian ban hành kết luận thanh tra, cụ thể: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

          Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

          Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định cụ thể về bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi của kết luận thanh tra; quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời, đảm bảo tính thời sự của công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi. Đây là những điểm mới quan trọng so với quy định của Luật Thanh tra năm 2010 về việc ban hành kết luận thanh tra.

          11. Vấn đề xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

          Việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước là một vấn đề thường xảy ra trong thực tiễn và luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Để xử lý vấn đề này, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể, rõ ràng tại Khoản 1 Điều 55, theo đó, khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước. Đồng thời, quy định việc xử lý đối với từng trường hợp cụ thể trong việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra (Khoản 2 Điều 55).

          12. Công khai kết luận thanh tra

          Để đảm bảo tăng cường việc công khai, minh bạch trong các hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm cho công dân, tổ chức, cơ quan tiếp cận các thông tin và giám sát hoạt động của cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra đã quy định cụ thể, chi tiết việc công khai và hình thức công khai Kết luận thanh tra như chậm nhất trong 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra theo hình thức: đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, đây là hình thức bắt buộc. Ngoài ra, người ra quyết định thanh tra còn phải chọn một trong các hình thức như: tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng. Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương; đối với cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

          Luật cũng quy định rõ việc công khai kết luận thanh tra phải được thực hiện công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của luật (Điều 79).

          Ngoài các điểm mới đáng chú ý trên, Luật Thanh tra năm 2022 còn có các quy định mới, bổ sung như: quy định cụ thể các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các ngạch Thanh tra viên, miễn nhiệm Thanh tra viên (từ Điều 39 đến Điều 42); quy định rõ hơn về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra (từ Điều 94 đến 96); quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong đảm bảo thực hiện kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra (Điều 103); bổ sung quy định về thanh tra nội bộ (Điều 115)…./.

(Đinh Văn Vụ - Thanh tra tỉnh Cao Bằng)

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang