Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT THANH TRA NĂM 2022
Lượt xem: 81

Bài 1:

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022 (Luật số 11/2022/QH15) thay thế Luật Thanh tra năm 2010 (Luật số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010 của Quốc hội khóa XII) có hiệu lực thi hành hơn 10 năm qua. Luật Thanh tra năm 2022 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành là một bước tiến mới mang tính bước ngoặt của ngành Thanh tra Việt Nam, Luật đã cập nhật và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương đường lối đổi mới của Đảng trong thời gian qua và thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan thanh tra nói riêng. Đồng thời, việc Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành còn nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Thanh tra năm 2010, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là yêu cầu rất cần thiết, nhằm kịp thời thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.

          I. Về bố cục của Luật Thanh tra năm 2022:

          Luật gồm có 8 chương và 118 điều. Như vậy, so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 tăng 01 chương, 40 điều (Luật Thanh tra 2010 gồm 07 Chương và 78 Điều). Điểm đáng chú ý là quy định của Luật Thanh tra năm 2022 đã đưa tách nội dung quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân ra khỏi Luật, bởi thực chất thanh tra nhân dân là hoạt động giám sát của nhân dân ở cơ sở, là một thiết chế về thực hiện quy chế dân  chủ ở cơ sở; hơn nữa, quy định về thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2010 dễ gây ra sự nhầm lẫn giữa thanh tra Nhân dân và thanh tra Nhà nước. Về vấn đề này, đã được Quốc hội xem xét thông qua thành 01 Luật riêng là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội). Đồng thời, Luật Thanh tra lần này đã có sự điều chỉnh, sửa đổi, sắp xếp tên một số chương và các mục trong từng chương vừa đảm bảo có tính kế thừa phát triển và tính khoa học, hợp lý hơn so với Luật năm 2010. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra mới còn bổ sung 01 chương riêng với những quy định cụ thể về việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra và 01 Chương quy định về việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra.

          II. Một số điểm mới cơ bản của Luật Thanh tra 2022

          1. Phân định rõ hoạt động thanh tra với kiểm tra và tăng cường kiểm tra

          Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 đã tách bạch và phân định rõ hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, theo đó xác định kiểm tra là hoạt động thường xuyên và thanh tra là hoạt đọng có trọng tâm, trọng điểm. Luật Thanh tra mới đã bỏ quy định thanh tra thường xuyên được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010.

2. Thành lập cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Đây là một điểm mới rất đáng chú ý của Luật Thanh tra 2022. Theo Điều 18 của Luật thì Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong các trường hợp theo quy định của luật, theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Luật yêu cầu, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Thanh tra Tổng cục, Cục chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Cục trưởng, Cục trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Bộ.

3. UBND tỉnh được giao thẩm quyền thành lập Thanh tra sở; Thanh tra tỉnh được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ

Tại khoản 2 Điều 26 của Luật có quy định thanh tra sở được thành lập trong 03 trường cụ thể là: theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Đồng thời, Luật cũng quy định tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, thì Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Đối với các sở không thành lập Thanh tra sở thì Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở theo điểm đ khoản 1 Điều 23: "Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra".

Như vậy, Thanh tra tỉnh đã được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực không thành lập cơ quan Thanh tra sở. Mặt khác, Chánh Thanh tra tỉnh được bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 5 Điều 24 của Luật quy định: "Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính".

          4. Về quy trình xây dựng, phê duyệt Kế hoạch thanh tra hàng năm

          Theo quy định tại Điều 45 của Luật thì có các kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kế hoạch thanh tra của Bộ và kế hoạch thanh tra của tỉnh. Đối với cấp tỉnh, chậm nhất vào ngày 20/12 hằng năm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh (bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và thanh tra huyện; bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện).

          5. Về hình thức thanh tra

          Theo Điều 46 chỉ có 02 hình thức hoạt động thanh tra được thực hiện là theo kế hoạch hoặc đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao. Như vậy, so với Luật Thanh tra năm 2010 đã bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Với quy định trên là nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra, đồng thời nhằm phân biệt giữa thanh tra với kiểm tra là hoạt động thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước của cấp trên với cấp dưới trực thuộc.

          6. Về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra

          Để nâng cao tính độc lập tương đối và tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, đồng thời phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp, Luật mới đã quy định chỉ có thủ trưởng cơ quan thanh tra mới có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Theo đó, khoản 1 Điều 59 của Luật có quy định: Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này để ban hành quyết định thanh tra. Như vậy, với quy định này, đã khắc phục được việc trước đây, cả thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đều có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Còn đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuộc về Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành (quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Luật Thanh tra năm 2022).

(Còn nữa)

(Đinh Văn Vụ - Thanh tra tỉnh Cao Bằng)

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang